Ra đời vào năm 2008 với bối cảnh ở Ấn Độ, bộ phim Triệu phú khu ổ chuột (tên tiếng Anh: Slumdog Millionaire) đã đem về cho đạo diễn người Anh Danny Boyle 8 giải Oscar danh giá và trở thành một hiện tượng khi được công chiếu trên toàn thế giới vào năm 2009.
Bộ phim kể lại câu chuyện của một chàng trai trẻ xuất thân từ khu ổ chuột Juhu ở Mumbai khi cậu tham gia chương trình truyền hình “Ai là triệu phú?” phiên bản Ấn Độ. Anh đã trả lời được chính xác các câu hỏi khiến mọi người phải đặt ra một nghi vấn lớn: Đây là Thiên tài hay Kẻ gian lận?
Với thời lượng hai tiếng, từng cảnh quay dường như đều không thừa một chi tiết, khiến người xem hoàn toàn bị cuốn hút và nhập vào nhân vật chính (Jamal) từ khi cậu còn là một đứa trẻ sống trong khu ổ chuột cho tới khi cậu đã trở thành một triệu phú. Nhắc tới bộ phim, người xem có thể nói rằng họ tìm thấy trong đó bài học về sự nỗ lực vươn lên, về sức mạnh của tình yêu, hay về niềm tin cuộc sống. Trong bài viết này, chúng ta hãy nhìn lại 5 thông điệp sâu sắc mà “Triệu phú khu ổ chuột” đã để lại trong lòng người xem.
1. Kiến thức không chỉ đến từ sách vở và trường lớp
Mở đầu bộ phim là cảnh Jamal bị hai viên cảnh sát tra khảo vì không tin rằng cậu thực sự trả lời được hết tất cả các câu hỏi. Họ cho rằng cậu có người nhắc, có gắn chip dưới da, hoặc bằng cách nào đấy đã gian lận thành công.
Lý lẽ của họ chỉ đơn giản là: “Giáo sư, bác sĩ, luật sư, những người có kiến thức bình thường chưa từng đoạt trên 60.000 rupees. Anh ta đã đạt 10 triệu rupees. Làm sao mà một kẻ sống ở khu ổ chuột có thể biết câu trả lời?” Họ cho rằng, cần đi học, cần có bằng cấp, cần có địa vị, thì mới có khả năng trả lời được hết những câu hỏi thuộc mọi lĩnh vực trong chương trình “Ai là triệu phú?”.
Tuy nhiên, ngay trong câu hỏi của họ vốn đã có câu trả lời: Giáo sư, bác sĩ, luật sư, những người có kiến thức bình thường chưa từng đoạt trên 60.000 rupees. Nhưng một kẻ sống ở khu ổ chuột thì có. Bởi tri thức là những gì còn sót lại sau khi quên, học thật nhiều trên trường, đọc thật nhiều sách, nhưng còn nhớ được bao nhiêu, đó mới là tri thức.
Kiến thức của Jamal không đến từ những buổi học được phụ huynh trả tiền, cắp sách đi và cắp sách về, kiến thức của cậu là đến từ những trải nghiệm đau khổ của một đời sống đói nghèo trong khu ổ chuột, là những lần nhảy xuống hố phân, là khi chứng kiến người mẹ thân thương của mình bị đánh chết vì mâu thuẫn tôn giáo, là quãng thời gian bị bắt đi ăn xin ăn cắp… là những gì mà khi đưa ra câu trả lời đúng, Jamal chỉ ước rằng, giá như mình chưa từng biết câu trả lời, giá như cậu có thể đã quên được chúng.
Một người cả đời có đủ loại bằng cấp, chưa chắc đã hiểu biết nhiều bằng một người chưa từng được sống một ngày yên ấm. Một người địa vị cao, quen biết rộng, chưa chắc đã tinh tế, nhạy cảm và thông minh để ghi nhớ mọi sự việc diễn ra quanh mình bằng một cậu bé với đôi mắt sáng sinh sống ở khu ổ chuột. Kiến thức là những gì có thể dùng được, và được dùng đúng chỗ.
2. Biết điều mình biết và điều mình không biết
Đến với câu hỏi thứ hai trong chương trình, Jamal khiến mọi người bất ngờ khi cậu phải dùng đến sự trợ giúp “Hỏi ý kiến khán giả” trong khi với câu hỏi đó, “một đứa bé 5 tuổi cũng trả lời được”. Nhưng điểm đáng chú ý ở đây, là khi người dẫn chương trình đọc xong câu hỏi, cậu không ngần ngại lựa chọn ngay việc dùng sự trợ giúp. Không suy nghĩ, không phân vân, không lục lại trí nhớ, cũng giống như khi cậu trả lời xuất sắc các câu còn lại: Jamal biết rõ điều mình biết, và điều mình không biết.
Một chàng trai với đôi mắt ngơ ngác và dễ hồi hộp lại có một lý trí quá tỉnh táo và khôn ngoan khi biết rõ bản thân mình như vậy. Đây là điều tưởng như đơn giản, nhưng thực tế, nhiều người lại không thực sự hiểu mình đến vậy, hoặc cho đến khi vấp ngã, thời gian và công sức đã mất rồi, chỉ còn sự hối tiếc ở lại, họ mới có thể nhận ra điều mình biết là gì, và điều mình không biết là gì, cũng giống như câu nói “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Đó là thể hiện của đức tính khiêm tốn và sự thông thái.
3. Sự chân thật có thể vượt qua dối trá
Một trong những chi tiết bất ngờ và gay cấn nhất trong”Triệu phú khu ổ chuột” là khi người dẫn chương trình đưa cho Jamal đáp án sai cho câu hỏi mà cậu hoàn toàn không biết.
Trong suốt bộ phim, từ khi Jamal còn là một cậu nhóc cho đến khi đã là thanh niên, người xem luôn cảm thấy cậu là một người thật thà và có phần ngốc nghếch, cả tin. Nhưng khi Jamal kiên quyết chọn đáp án khác với đáp án người dẫn chương trình gợi ý vào giờ nghỉ, cậu đã khiến người xem sửng sốt và nín thở, bởi chính người xem cũng không thực sự biết rằng rốt cuộc người dẫn chương trình kia có thật sự muốn giúp cậu như ông ta nói không. Và Jamal đã lại đúng một lần nữa.
Cái đúng đầy bất ngờ ấy của cậu khiến ngay cả người dẫn chương trình mưu mô và tự tin cũng phải lúng túng, vì ông ấy đã cho rằng những lời “chân thành” của mình tại sao lại không lừa được chàng trai yếu đuối này.
Nhưng Jamal thì biết sự thật, và trực giác của cậu cũng vậy. Sự giả dối dù dưới vỏ bọc nào, cũng không bao giờ có thể chạm được đến lòng tin của một người với tâm hồn hoàn toàn trong sáng và chân thật.
4. Làm việc ác không bao giờ có thể hạnh phúc
Bên cạnh nhân vật chính là Jamal, thì Salim – anh ruột của Jamal cũng là một nhân vật để lại nhiều ấn tượng trong lòng người xem, thậm chí nhiều người cho rằng, thiếu đi Salim, “Triệu phú khu ổ chuột” sẽ không còn sức hút đến thế.
Trong phim, hình tượng Salim là một người khôn ngoan, xảo quyệt, máu lạnh và sẵn sàng bất chấp làm mọi thứ để có được tiền nhưng cũng hết mực yêu thương người em trai duy nhất của mình – có lẽ đó là phần con người còn sót lại trong anh, để rồi cuối cùng trước khi lựa chọn cái chết cho mình, Salim cũng đã làm được điều tốt cho người khác.
Suốt từ đầu bộ phim, Salim đã làm hết điều ác này đến điều ác khác, từ đầu là với ước mong được đổi đời, thoát cảnh đói nghèo, lo cho em trai, nhưng càng về sau thì càng dấn sâu vào xã hội dơ bẩn, không tội ác nào không làm, dù tiền đã có, nhưng lương tâm thì đã vấy máu và nước mắt của nhiều người.
Tuy vậy, bản chất của Salim có lẽ không hoàn toàn là một người xấu, điều này rất dễ thấy, bởi lẽ: Anh không hạnh phúc. Tranh đấu, giết người, phục vụ kẻ mạnh, hiếp đáp kẻ yếu, ngày qua ngày diễn ra trong sự trả thù và núp bóng người khác, Salim tự nhận ra anh đã dần đánh mất mình. Điều ấy thể hiện ở ba chi tiết chính ở gần cuối phim, bối cảnh hiện tại, đó là khi Salim trước khi ra khỏi nhà gặp ông chủ, anh dập đầu nói với Chúa của mình rằng “Xin Chúa hãy tha lỗi cho con, con biết con đã gây ra nhiều tội lỗi”; là khi Salim đưa chìa khóa cho Latika bỏ trốn – người con gái mà em trai mình yêu tha thiết từ thời thơ ấu, cũng là người mà mình đã nhiều lần hãm hại – và nói rằng “Anh đã gây ra quá nhiều tội lỗi, xin hãy tha thứ cho anh”; và cuối cùng là khi Salim trầm mình trong bồn tắm trải đầy tiền, chờ ông chủ độc ác của mình bước vào, bắn ông ta và để tay sai của ông ta bắn lại mình, anh nhắm mắt mỉm cười và nói: “Chúa thật tuyệt” (God’s great). Có lẽ đó là giây phút hạnh phúc nhất cuộc đời anh, tự giải thoát cho mình sau khi giải thoát cho những người vô tội, giây phút anh dám thừa nhận với Chúa mọi tội lỗi của mình và xin được trao thân xác này cho Ngài, giây phút mà anh quyết định rằng, anh đã sống mù quáng vì tiền và bây giờ sẽ chết trong tiền, nhưng lại là một cái chết tự do.
Kết cục của cuộc đời Salim có thể sẽ khác, nếu anh không tự vẫn, anh đã có thể hạnh phúc hơn khi làm lại cuộc đời, chịu trách nhiệm cho sai trái của mình và tiếp tục sống. Bởi quá yếu đuối và bế tắc, dù biết đây cũng là một tội lỗi lớn và em trai của mình sẽ đau khổ, nhưng Salim vẫn dùng cái chết để kết thúc mọi chuyện, để lại một hình ảnh nhân vật vừa đáng thương lại vừa đáng trách trong lòng người xem.
5. Số phận là có tồn tại
Sau khi xem xong bộ phim, nhiều người cho rằng ý nghĩa lớn nhất của trong phim là “vượt lên số phận”, “chiến thắng số phận”, hay “tự mình quyết định số phận”. Nhưng hãy đặt một số câu hỏi: Liệu nếu số phận không cho phép, với 4 lần đánh mất Latika từ khi còn một đứa trẻ cho đến khi lớn lên, Jamal cuối cùng có tìm lại được cô hay không? Nếu số phận không cho phép, câu hỏi cuối cùng quyết định Jamal có trở thành tỷ phú hay không, liệu cậu có thể đoán ngẫu nhiên mà đúng trong khi chưa từng biết câu trả lời và cũng không còn một sự giúp đỡ nào không? Nếu số phận không cho phép, liệu Jamal có được tham dự chương trình “Ai là triệu phú”? Và nếu số phận không cho phép, liệu những gì Jamal đã tưởng như vô tình biết được trong cả tuổi thơ và thời niên thiếu của mình, giờ có biến thành những câu trả lời có thể đổi ra thành tiền và thay đổi hoàn toàn cuộc đời của cậu không? Tất cả đều là do số phận.
Có lẽ, tính cách, suy nghĩ, các quyết định, mọi thứ ở các nhân vật trong phim cũng là do số phận sắp đặt, để có thể diễn biến được theo dòng chảy số phận ấy. Đối với Jamal, anh hiểu rõ điều này hơn ai hết trong câu nói của anh với Latika ở cuối phim: “Đó là định mệnh của chúng ta.”
Bạn nên đọc nguyên tác Triệu Phú Khu Ổ Chuột
Kết luận: Kết thúc bộ phim, câu hỏi được đặt ra ở đầu phim không còn là một ẩn đố khó giải. “Làm sao Jamal có thể làm được điều này?” Jamal không phải A. Kẻ lừa đảo, cũng không hoàn toàn là B. May mắn, hay C. Thiên tài, mà đó chỉ đơn giản là D. Số phận (It’s written), là định mệnh đã an bài, là kỳ tích xảy đến với những người tốt.
Bài học rút ra từ phim tuy quen thuộc nhưng chưa bao giờ là sai: Sống chân chính, ngay thẳng, khiêm nhường và chịu khó học hỏi, biết mình có gì và biết mình chưa có gì, thì cuộc sống hiện tại dù khó khăn đến đâu, trong tương lai rồi cũng sẽ nhận được phúc báo.
Ở cuối phim, Jamal gặp lại Latika, nhà làm phim lại lồng ghép đan xen với hình ảnh cậu bé Jamal gặp cô bạn khi xưa, trong tâm hồn họ vẫn gìn giữ được sự hồn nhiên và thiện lương như thuở nào. Mong rằng khi đi qua những thăng trầm của cuộc đời, chúng ta cũng có thể như họ, giữ được cái thiện lương quý giá như khi còn là những đứa trẻ…
Cuối cùng, mời bạn thưởng thức bài hát chính trong phim Triệu phú khu ổ chuột