Những cảnh quay lung linh, kỳ vĩ về biển cả, trời mây, về chuyến phiêu lưu siêu thực của một chàng trai Ấn Độ đem tới cho khán giả sự choáng ngợp.
Đạo diễn Lý An, nhà làm phim Đài Loan từng gây tiếng vang với những tác phẩm điện ảnh như Ngọa hổ tàng long, Brokeback Mountain, Sắc giới, The Ice Storm, tiếp tục tạo nên một tuyệt tác mới. Qua ngôn ngữ của điện ảnh và công nghệ 3D kỳ thú, Lý An kể lại thành công câu chuyện đầy huyền hoặc tưởng như chỉ có thể được phác họa bằng nghệ thuật miêu tả và khả năng khơi gợi của ngôn từ.
Life of Pi được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết của nhà văn Yann Martel. Phim kể về cuộc phiêu lưu của Piscine Militor Patel, cậu bé có cái tên kỳ quặc và hài hước nhưng đã tự gọi mình là Pi. Lớn lên tại Pondicherry (Ấn Độ) những năm 1970, Pi có một cuộc sống tuổi thơ phong phú và nhiều khám phá. Bố cậu là giám đốc một vườn thú nên từ nhỏ Pi đã được tìm hiểu về các con thú và quy luật nghiệt ngã của cuộc sống hoang dã, sinh tồn. Sống giữa miền đất có nhiều tôn giáo lẫn lộn như Hindu giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo…, Pi thích thú tìm hiểu và trở thành tín đồ của tất cả, bởi cậu bé tìm thấy điểm chung là niềm tin vào Thượng đế.
Bước ngoặt trong cuộc đời Pi là vào năm 17 tuổi. Đất nước thay đổi và vườn thú bị giản tán. Bố mẹ Pi quyết định di cư sang Canada để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Pi rời bỏ miền đất Ấn Độ thân thương và cũng bỏ lại sau lưng mối tình đầu đẹp đẽ. Lên một con tàu vận tải của Nhật, gia đình Pi mang theo một số động vật hoang dã để bán cho vườn thú Canada. Khi tàu đi qua vùng biển nguy hiểm vào ban đêm, một biến cố khủng khiếp xảy ra. Bão tố nổi lên và con tàu bị sóng đánh chìm. Tuy nhiên, Pi đã sống sót một cách kỳ diệu khi kịp bám vào một chiếc xuồng cứu sinh.
Hôm sau khi tỉnh dậy, cậu bàng hoàng nhận ra mình đã mất hết người thân và đang đơn độc giữa đại dương mênh mông. Nhưng điều kinh khủng hơn, Pi phát hiện trên chiếc xuồng còn có một con hổ dữ, một con linh cẩu độc ác đang đói mồi, một con ngựa vằn gẫy chân và một con đười ươi say sóng. Cuộc hành trình lênh đênh trên đại dương của Pi bắt đầu với những người bạn đồng hành bất đắc dĩ. Pi phải vận dụng hết kiến thức về động vật hoang dã và bản năng sinh tồn để chống lại bầy thú hoang, để sống sót và đối mặt với nỗi cô đơn, sự sợ hãi giữa mênh mông biển cả luôn rình rập hiểm nguy.
Câu chuyện về hành trình lạ lùng của Pi được kể lại bằng những hình ảnh đẹp lung linh, diệu kỳ. Khán giả bị mê hoặc bởi những khung cảnh lộng lẫy – đại dương trong vắt xanh mênh mông, những đàn cá bay vun vút, lòng biển khơi sâu thẳm kỳ bí, những con sứa thắp sáng đại dương, bầu trời rực rỡ ánh bình minh hay trời đêm lấp lánh ngàn sao, sự thịnh nộ của những cơn bão, hòn đảo ăn thịt người với hàng nghìn con chồn meerkat…
Những hình ảnh ấy trở nên sống động và có chiều sâu nhờ công nghệ 3D tuyệt vời. Không gian ba chiều trong Life of Pi đạt đến đỉnh cao, thậm chí vượt cả bom tấn Avatar. Hiệu ứng 3D không chỉ tạo nên những khung cảnh lung linh mà còn là một phần của câu chuyện phim. Làm sao có thể truyền tải được hình ảnh một chiếc xuồng bé nhỏ lạc lõng trôi dạt giữa mênh mông biển trời, giữa vũ trụ bao la nếu như không đặt vào một không gian đa chiều? Hình ảnh ấy có khi được nhìn theo mặt phẳng ngang trong vắt, khi được nhìn từ trên cao vô tận như cái nhìn của Thượng đế dõi theo Pi, khi được soi chiếu từ dưới đáy đại dương sâu thẳm, nơi có hàng tỷ sinh vật kỳ bí và cả linh hồn những người thân của Pi đã nằm lại mãi mãi.
Kỹ thuật 3D giúp đạo diễn vừa thể hiện được chiều rộng của không gian, vừa soi rõ chiều sâu suy tư, tâm trạng của nhân vật. Khán giả như trông thấy rõ những gì mà Pi trải qua, chứng kiến, cảm nhận và hình dung thấy khi cậu đối diện thiên nhiên vừa lộng lẫy, kỳ vĩ, vừa bí ẩn, dữ dội, khắc nghiệt… Đạo diễn Avatar, James Cameron, từng nhận xét: “Bộ phim đẹp một cách kỳ diệu, bạn cảm giác như bị bao bọc trong câu chuyện. Tôi nghĩ công nghệ 3D cũng đóng góp một phần vào đó. Một cách làm phim thật tuyệt vời. Bạn sẽ tham gia vào một chuyến hành trình đẹp mắt, vô cùng hấp dẫn. Tôi nghĩ không thể nào làm tốt hơn như vậy được”.
Thành công của bộ phim cũng nhờ vào kỹ xảo xuất sắc. Việc dựng thành phim hành trình của một chàng thanh niên Ấn Độ và một con hổ Bengal trên một chiếc xuồng giữa đại dương từng được cho là điều không tưởng. Nhiều đạo diễn đã nản chí đến rồi lại đi khi đọc kịch bản. Thế nhưng Lý An quyết tâm vượt qua thử thách này. Ông nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ êkíp làm phim và chính quyền các nước.
Con hổ trong phim, Richard Parker, phần lớn là do sự sáng tạo kỳ diệu của kỹ thuật số CGI tiên tiến. Kỹ thuật này tạo nên một sinh vật sống động như thật dựa trên tư liệu về hình ảnh và vật lý từ bốn chú hổ Bengal. Trong khi đó tại một sân bay bỏ không ở Đài Loan, một bể tạo sóng lớn nhất thế giới được xây dựng dành riêng cho phim. Chiếc bể đặc biệt này có thể chứa 7 triệu lít nước và sử dụng máy tạo sóng khổng lồ để hình ảnh đại dương giống y như thật.
“Thán phục” là từ mà nhiều khán giả sau khi xem xong phim sẽ dành cho đạo diễn Lý An bởi sự mạo hiểm, kỳ công và khả năng sáng tạo tuyệt vời của ông khi dựng lên câu chuyện siêu thực và kỳ quái này. Chỉ tiếc một điều là cảm xúc trong phim vẫn chưa đạt đến độ sâu và lay động mạnh mẽ trái tim khán giả như ấn tượng mà công nghệ 3D và kỹ xảo mang lại. Thêm vào đó, câu chuyện phim có phần được thi vị hóa khiến cho hành trình của Pi kém phần gay cấn, dữ dội.
Những fan ruột của cuốn tiểu thuyết cũng phần nào hụt hẫng khi xem phim bởi chiều sâu triết lý và những suy ngẫm về tôn giáo, niềm tin, bản ngã, sự sinh tồn… đã bị tiết chế đi nhiều trong phim. Vì thế, khán giả chưa cảm nhận hết về hành trình của cảm xúc, tinh thần và tâm linh song hành cùng hành trình của lý trí và thể xác. Bên cạnh đó, hình tượng nhân vật hổ Richard Parker, một đối thủ và cũng là một người bạn của Pi, không có sức ám ảnh và ý nghĩa như những gì mà tác giả tiểu thuyết đã xây dựng lên.
Tuy vậy, bộ phim với những hình ảnh 3D lung linh, kỳ vĩ và diễn xuất tinh tế, giàu biểu cảm của các diễn viên Ấn Độ sẽ mang lại những trải nghiệm kỳ thú và khó quên với đông đảo khán giả khắp thế giới.